• Tin tức sự kiện
  • BÁO CÁO ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GTVT ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯƠNG ĐẾN NĂM 2030

    Trong những năm qua, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển giao thông vận tải, trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có bước phát triển đáng kể, chất lượng vận tải ngày một nâng cao, bước đầu cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. Để tăng cường hơn nữa hiệu quả cho công tác đầu tư và lập kế hoạch, ngành giao thông vận tải đã triển khai xây dựng các chiến lược phát triển giao thông vận tải, các quy hoạch chuyên ngành, trong đó có chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ.
    BÁO CÁO
    ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GTVT ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯƠNG ĐẾN NĂM 2030
     
    ĐẶT VẤN ĐỀ
    Trong những năm qua, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển giao thông vận tải, trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có bước phát triển đáng kể, chất lượng vận tải ngày một nâng cao, bước đầu cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. Để tăng cường hơn nữa hiệu quả cho công tác đầu tư và lập kế hoạch, ngành giao thông vận tải đã triển khai xây dựng các chiến lược phát triển giao thông vận tải, các quy hoạch chuyên ngành, trong đó có chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ.
    Ngày 15/11/2002 tại Quyết định số 162/2002/TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020“.
    Sau một thời gian thực hiện, được sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, ngành Giao thông vận tải đã tổ chức thực hiện Quy hoạch và đạt được nhiều kết quả: hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có bước phát triển đáng kể, chất lượng vận tải ngày một nâng cao, bước đầu cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền.
    Hệ thống đường bộ được cải thiện rõ rệt, hàng năm nâng cấp xây dựng được trên 1.000 kilômét đường, 10.000 mét dài cầu; các tuyến, trục cơ bản được nâng cấp cải tạo, khai thác có hiệu quả như quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, các đường hướng tâm tới các đô thị  lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các đường vành đai, tuyến ngang nối quốc lộ 1 với đường Hồ Chí Minh, các tuyến quốc lộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long; khởi công xây dựng một số tuyến đường bộ cao tốc, xây dựng mới được nhiều các cầu lớn như Bãi Cháy, Bính, Kiền, Tân Đệ, Phù Đổng, Yên Lệnh, Gianh, Quán Hàu, Mỹ Thuận,…
    Tuy vậy, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nước ta vẫn còn yếu kém, lạc hậu; đầu tư mới chỉ tập trung cho những công trình quan trọng, cấp bách; đường cao tốc, đường có 4 làn xe trở lên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ; đường trục quốc gia mang tính chiến lược và các hành lang kinh tế trọng điểm mới bắt đầu hình thành, quy mô thấp; sự kết nối của giao thông vận tải đường bộ với các hệ thống giao thông khác (đường sắt, đường thủy nội địa, đường ra cảng biển,...) còn thiếu, chưa đồng bộ; các đầu mối giao thông quy mô lớn năng lực còn hạn chế.
    Tình trạng kỹ thuật đường bộ còn thấp, đường hẹp, bán kính đường cong nhỏ, mặt đường chưa đảm bảo cho việc đi lại an toàn, êm thuận; sụt trượt còn xảy ra thường xuyên gây ách tắc giao thông; số lượng cầu yếu, tải trọng thấp, chưa đồng bộ với cấp đường còn nhiều; nhiều tuyến đường giao thông địa phương miền núi thuộc hệ thống đường giao thông nông thôn chưa đi lại được quanh năm.
    Để khắc phục các tồn tại nêu trên, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ngày 24/8/2009, tại Quyết định số 1327/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch 1327).
    Sau hơn 3 năm thực hiện Quy hoạch 1327, đã đạt được nhiều kết quả khả quan: hình thành một số đoạn tuyến cao tốc như Cầu Giẽ - Ninh Bình, thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, cao tốc vành đai 3 – Hà Nội, đại lộ Thăng Long; đang triển khai xây dựng một số tuyến cao tốc như Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lào Cai; hoàn thành xây dựng một số cầu lớn như cầu Thanh Trì, Rạch Miễu, Cần Thơ,... nhiều cầu yếu được xây dựng, thay thế; nhiều tuyến đường tiếp tục được nâng cấp, mở rộng, lưu thông đường bộ ngày càng thuận tiện.
    Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Quy hoạch 1327 đã bộc lộ một số bất cập trong quá trình thực hiện:
            Tại thời điểm lập Quy hoạch 1327, kinh tế nước ta tăng trưởng với nhịp độ cao và kéo dài (giai đoạn 1991-2009, tốc độ tăng GDP bình quân đạt 7,5%/năm), tiếp tục được dự báo có tốc độ tăng trưởng cao nên có điều kiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, do vậy Quy hoạch 1327 đã đề ra một số mục tiêu phấn đấu cao phù hợp với yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội và hội nhập vào tiến trình phát triển chung của khu vực và thế giới khi nước ta đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới. Tuy nhiên, thời gian qua thế giới có những biến động sâu sắc: khủng hoảng kinh tế đang lan rộng khắp các nước, hầu hết các quốc gia đều bị ảnh hưởng, từ suy giảm tốc độ tăng trưởng cho đến rơi vào khủng hoảng. Trong tiến trình hội nhập với thế giới, kinh tế nước ta đã và đang hội nhập từng bước với kinh tế toàn cầu, do đó cũng chịu nhiều ảnh hưởng một cách rõ rệt.
    Thực tế trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch 1327, kinh tế nước ta có tăng trưởng thấp hơn so với dự báo, chỉ đạt 6%/năm (dự báo 7,5%/- 8%/năm) nên nguồn lực đầu tư cho giao thông vận tải đường bộ hạn chế; mặt khác từ năm 2010, thu nhập bình quân đạt 1.000USD/người, Việt Nam ra khỏi nhóm các nước nghèo, có thu nhập thấp nhất, vì vậy nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) giảm, ảnh hưởng lớn đến một số mục tiêu quy hoạch đặt ra. Cùng với đó, tư duy phát triển kết cấu hạ tầng chưa được đổi mới, vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách Nhà nước, chưa phù hợp với cơ chế thị trường; phân bổ đầu tư dàn trải, thiếu tập trung ưu tiên; tiến độ triển khai các dự án chậm.
    Những tồn tại chủ yếu trong thực hiện Quy hoạch 1327 thể hiện ở một số nội dung chính như sau:
    - Tăng trưởng vận tải thực tế cao hơn so với dự báo; tỷ trọng đảm nhận của vận tải đường bộ tăng quá cao so với các phương thức vận tải khác (Quy hoạch 1327 dự báo năm 2010: tỷ trọng vận tải hàng hoá bằng đường bộ là 54%, hành khách 87%; thực tế đường bộ đảm nhận vận tải hàng hoá 73%, hành khách 91,7%).
    - Đầu tư đường cao tốc Bắc – Nam và mối tương quan với quốc lộ 1:
       + Với tư duy đường cao tốc Bắc Nam được hình thành sẽ chia sẻ thị phần vận tải đường bộ trên trục Bắc  - Nam, do đó Quy hoạch 1327 đưa ra quy mô quốc lộ 1 còn hạn chế.
       + Đầu tư đường cao tốc Bắc Nam chưa đạt được theo quy hoạch: mục tiêu đến năm 2020 (theo quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông) là xây dựng 1469 km, nhưng đến nay mới xây dựng được 90 km; khả năng thực hiện mục tiêu là khó đạt được.
    - Hiện tại còn khoảng hơn 550 cầu yếu trên hệ thống quốc lộ.
    - Vẫn còn gần 150 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm.
    - Một số tuyến đường bộ nằm trong các hành lang, vành đai kinh tế có mật độ giao thông lớn, tăng trưởng nhanh đã vượt quá năng lực phục vụ của đường như quốc lộ 1, quốc lộ 5, quốc lộ 18, quốc lộ 51,...
    - Tuyến đường Hồ Chí Minh, trục dọc quan trọng thứ hai trên hướng Bắc Nam tiến độ đầu tư không như dự kiến, đặc biệt là quốc lộ 14 đoạn Tây Nguyên xuống cấp nghiêm trọng.
    - Nhu cầu vốn là rất lớn trong khi nguồn lực hạn chế, mới tập trung đầu tư một số tuyến trọng điểm, phần nào đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tuy nhiên, nhiều tuyến vẫn trong tình trạng kỹ thuật thấp kém. Mục tiêu đưa hệ thống quốc lộ vào đúng cấp kỹ thuật khó có khả năng đạt được. Đối với hệ thống đường địa phương tình trạng còn xấu hơn, nguồn vốn đầu tư thấp hơn nhiều so với hệ thống đường quốc lộ.
    - Về cơ chế chính sách phát triển: chậm bổ sung các cơ chế chính sách mới phù hợp với các chủ trương của Đảng và Nhà nước; một số chính sách đã ban hành không được điều chỉnh kịp thời, gây cản trở đến đầu tư phát triển (nhất là về phí, lệ phí,...).
    Trong thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu vận tải, hoàn chỉnh mạng lưới quốc lộ, đảm bảo kết nối liên thông các tỉnh, thành phố, nối liền cảng biển, cảng hàng quốc tế đến các khu kinh tế, cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính bằng đường bộ, Bộ Giao thông vận tải chuyển một số đường địa phương lên thành quốc lộ; đồng thời, để nâng cao hiệu quả khai thác một số tuyến đường mới đựợc đầu tư xây dựng và phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của một số vùng và địa phương, cần thiết xem xét, bổ sung một số tuyến vào quy hoạch hệ thống quốc lộ.
    Với các nội dung nêu trên, để phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua, trong đó : “...Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Hình thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại là một đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và tái cơ cấu lại nền kinh tế...”, việc điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là cần thiết.
     
    Các căn cứ chủ yếu Điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ:
    - Luật Giao thông đường bộ được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13/11/2008 và các văn bản pháp luật có liên quan khác.
    - Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam trong đó đưa ra các chỉ tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.
    - Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
    - Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/6/2012 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012, hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020;
    - Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 về các nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
    - Dự thảo điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Bộ GTVT đang soạn thảo).
    - Các văn bản của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến nắm 2030, Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch phát triển GTVT Đường thủy nội địa, vận tải biển, hệ thống cảng biển, hàng không, mạng đường bộ cao tốc, đường Hồ Chí Minh, hành lang biên giới, đường ven biển, Quy hoạch phát triển GTVT các vùng kinh tế trọng điểm, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội, vùng thành phố Hồ Chí Minh, các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu chế xuất,…
     
    Mục tiêu đề án
    - Điều chỉnh Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và Nghị quyết số 13-NQ/TW về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, gồm các nội dung: mạng lưới đường bộ, cấp kỹ thuật đường bộ, thời gian, lộ trình thực hiện quy hoạch, tổ chức giao thông:
    + Hệ thống quốc lộ, đường cao tốc, hành lang biên giới, hành lang ven biển.
    + Định hướng phát triển giao thông đường bộ địa phương quản lý (đường tỉnh, giao thông nông thôn).
    - Định hướng phát triển vận tải, phương tiện.
     

    I. CẬP NHẬT HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
    Trong 5 năm thực hiện kế hoạch (2006 - 2010), kinh tế - xã hội nước ta chịu tác động của những sự kiện và những tiến trình đặc biệt: Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), triển khai sâu rộng các cam kết trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN và ASEAN+; khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh chính sách từ thắt chặt tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát sang kích cầu đầu tư; kinh tế nước đã có sự tăng trưởng khá cao, bình quân đạt khoảng 7%/năm; quy mô nền kinh tế tăng lên, các ngành KT-XH đều có bước phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu thiên niên kỷ. Tuy nhiên, thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng; một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch; kinh tế phát triển thiếu bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; kinh tế vĩ mô chưa vững chắc.
     1.1. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chính
    + Tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2006 - 2010) đạt khoảng 7%/năm: năm 2007, năm đầu tiên nước ta là thành viên chính thức của tổ chức thương mại thế giới, GDP tăng tới 8,48%/năm; năm 2008 do ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng tài chính thế giới nên tốc độ giảm xuống còn 6,2% và năm 2009 đạt 5,32%, năm 2010 đạt 6,78%, năm 2011 đạt 6,18%.
    Hình 1. Tốc độ tăng trưởng  GDP giai đoạn 1994 – 2010
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     

    + GDP bình quân đầu người liên tục tăng, giai đoạn 2005-2010 tăng 1,8 lần so với giai đoạn 2001-2005; tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người năm 2005 đạt 642 đô la Mỹ, năm 2010 đạt 1.168 đô la Mỹ.
    + Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 20,9% năm 2005, xuống còn 16,4% năm 2010; công nghiệp và xây dựng duy trì ở mức 41 - 42 %; các ngành dịch vụ tăng từ 38% năm 2005 lên 41,7% năm 2010.  
    + Giá trị kim ngạch XNK liên tục tăng với tốc độ cao, giai đoạn 2000 -2005 tăng bình quân 17,6%/năm, giai đoạn 2005-2010 là 17,3%. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2005 đạt 32.447,1 triệu USD, ước 2010 đạt 72.191 triệu USD. Tỷ lệ xuất khẩu so với GDP năm 2005 đạt 61,3%, năm 2009 đạt 62,8% cao hơn của Thái Lan và Philippin song thấp hơn của Malaixia và Singapo; điều này thể hiện tăng trưởng kinh tế mước ta là dựa vào xuất khẩu.
    + Sản lượng lương thực tiếp tục tăng nhanh, năm 2005 đạt 39,62 triệu tấn năm 2010 đạt 44,59 triệu tấn, tăng bình quân đạt 2,3%/năm; lương thực bình quân đầu người cũng liên tục tăng: 2005 đạt 480 kg/người, năm 2010 đạt 513 kg/người.
    Biểu 1. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2005 - 2010
    TT Chỉ tiêu Đơn vị 2005 2006 2007 2009 2010
     
    Tăng trưởng
    2005 -2010
    1 Dân số Tr.người 82,42 83,31 84,22 86,03 86,932 1,07
    2 GDP (giá 1994) Tỷ đồng 393.031 425.373 461.344 516.566 551.609 6,8
    3 GDP/ng­­ười USD 638 722     1168  
    4 CCKT(94) % 100 100 100 100 100  
      - NLNN   20,9 18,7 17,9 17,1 16,4  
      - CN, XD   41 41 41,7 41,6 42,4  
      - Dịch vụ   38,1 40,3 40,4 41,3 41,2  
    5 GTKNXK Tr.USD 32,4 39,8 48,5 57,09 72,23  
    6 GTKNXK/ngư­ời USD 390,3 472,9 576,0 663,0 830,9  
    7 LT (QT)/ng­ười Kg 480,9 471,1 477,9 503,6 513,4  
    Nguồn: NGTK 2010
    - Các ngành kinh tế, sản xuất tiêu dùng, xuất nhập khẩu
    + Công nghiệp: giá trị sản xuất công nghiệp (giá 1994) giai đoạn 2005 -2010 tăng bình quân năm 7,9%; các ngành công nghiệp đã đứng vững trong nền kinh tế thị trường và bắt đầu có hiệu quả rõ ràng, tăng về khối lượng sản phẩm, tăng xuất khẩu.
     Tính đến năm 2011, cả nước có 283 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) được thành lập, quy mô diện tích 76.000 ha, thu hút được 4.113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 59,6 tỉ USD và 4.681 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư đạt gần 420.000 tỉ đồng, số lao động trong các KCN, KCX đạt trên 4,4 triệu người; hàng năm, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào các KCN, KCX tăng thêm từ 35 - 40% so tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên phạm vi cả nước.
     + Nông, lâm, ngư nghiệp: tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân hàng năm giai đoạn 2005-2010 là 3,3%; cơ cấu sản xuất cũng có sự thay đổi, chăn nuôi chiếm thị phần ngày càng cao trong tổng giá trị sản xuất.
    + Ngành dịch vụ:
    Xuất nhập khẩu tăng với tốc độ cao; kim ngạch xuất khẩu năm 2010 là 72,19 tỷ USD, tốc độ tăng 5 năm (2005-2010) bình quân đạt 17,3%/năm.
    Kim ngạch nhập khẩu 2010 đạt 84,8 tỷ USD, tốc độ tăng 5 năm (2005 -2010) đạt 18,2%/năm.
    Vận tải: khối lượng vận tải khách 2010 là 2.194,3 triệu hành khách; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005-2010 đạt 10,2%/năm, trong đó vận tải đường bộ tăng cao hơn, đạt 11,4%.
    Vận tải hàng hóa 2010 ước tính đạt 802,2 triệu tấn; tăng trưởng bình quân hàng hóa giai đoạn 2005-2010 là 11,8%/năm trong đó vận tải đường bộ tăng cao hơn, đạt 14,4%.
    1.2. Tình hình đầu tư phát triển
    + Tổng vốn đầu tư được huy động và đưa vào nền kinh tế trong 5 năm (2005-2010), đạt khoảng trên 3.435,8 nghìn tỷ đồng (theo giá thực tế) gấp hơn 2,4 so với kế hoạch 5 năm (2001-2005).
    + Cơ cấu đầu tư đã có sự dịch chuyển theo hướng tích cực, tập trung cho những mục tiêu quan trọng; đầu tư cho lĩnh vực xã hội chiếm 27% và  kinh tế chiếm 70%, trong đó nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 13,3%, công nghiệp và xây dựng chiếm 44,3%;  giao thông bưu điện chiếm 12,1%. 
    Bên cạnh nguồn vốn trong nước, việc thu hút nguồn vốn từ bên ngoài (ODA và FDI) vẫn được chú trọng, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2005-2010 đạt 47,9 tỷ USD, gấp 2,7 lần thời kỳ 2001-2006, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 82%; lĩnh vực dịch vụ chiếm 13% ; nông lâm nghiệp thuỷ sản, chiếm 5%. Đầu tư theo các vùng kinh tế năm 2010: vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung 38%, vùng Đông Nam Bộ 31%, Đồng bằng sông Hồng 19,2% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
    + Xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội
    Nhờ huy động tốt các nguồn lực, khối lượng vốn đầu tư toàn xã hội đã tăng nhanh, Chính phủ đã dành được một lượng vốn lớn để tập trung đầu tư vào một số công trình chủ yếu, quan trọng trong các ngành, lĩnh vực và địa phương; đầu tư chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất theo hướng hiệu quả và phát huy được lợi thế của từng vùng, từng ngành, từng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
    Đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế chiếm khoảng 70% tổng đầu tư toàn xã hội và chiếm khoảng 55% trong tổng đầu tư ngân sách.
    Giao thông vận tải và bưu điện vẫn duy trì mức đầu tư ở mức 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đầu tư từ ngân sách chiếm 22,5%; tập trung đầu tư cho hệ thống đường quốc lộ, đường quan trọng, hạ tầng giao thông nông thôn, đặc biệt ở vùng núi, biên giới, Tây Nguyên,...
    Nông lâm nghiệp và thuỷ sản: đầu tư được duy trì ở mức 13,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và 22,6% tổng vốn đầu tư từ ngân sách.  
    Đầu tư vào lĩnh vực xã hội: tỷ lệ đầu tư bình quân trong những năm qua đạt 27% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và 43% vốn đầu tư từ ngân sách.
    1.3. Đánh giá chung
    Trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 2001 - 2010, mặc dù bị tác động tiêu cực của hai cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực và toàn cầu, nền KT-XH nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng, đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
    Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt khoảng 7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2001 - 2005, đạt 42,9% GDP. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta đạt cao. Quy mô tổng sản phẩm trong nước năm 2010 tính theo giá thực tế đạt 101,6 tỉ USD, gấp 3,26 lần so với năm 2000; GDP bình quân đầu người đạt 1.168 USD.
    Hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đều có bước phát triển. Sự phát triển ổn định trong ngành nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực đã bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; kinh tế nông thôn và đời sống nông dân được cải thiện. Việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đã có tác động tích cực đến việc sản xuất, tạo việc làm và xoá đói, giảm nghèo. Sản phẩm công nghiệp phát triển ngày càng đa dạng và phong phú về chủng loại, chất lượng được cải thiện, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo cung cầu của nền kinh tế, giữ vững thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng ổn định. Cơ cấu kinh tế tiếp tục được chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Cơ cấu lao động cũng có sự chuyển dịch tích cực.
    Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn hạn chế. Tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu.
    Kết cấu hạ tầng giao thông nói chung, giao thông đường bộ nói riêng là khâu trọng tâm của kết cấu hạ tầng KT-XH, phải được ưu tiên đầu tư xây để tạo điều kiện thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn, xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, đầu tư cho KCHTGT còn hạn chế; đặc biệt thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; nhiều công trình giao thông vốn đầu tư đã bị cắt giảm ảnh hưởng lớn đến tiến độ, hiệu quả đầu tư thấp.
    II. ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN QUY HOẠCH VÀ HIỆN TRẠNG GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ
    2.1. Kết quả thực hiện Quy hoạch
    Theo Quyết định 1327/QĐ-TTg, đến năm 2020 các mục tiêu chính cần đạt:
    + Vận chuyển được 5,5 tỷ hành khách với 165,5 tỷ hành khách luân chuyển; 760 triệu tấn hàng hóa với 35 tỷ tấn luân chuyển.
    + Đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống đường bộ hiện có, đầu tư chiều sâu một số công trình quan trọng để nâng cao năng lực thông qua; nhanh chóng triển khai xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc theo quy hoạch, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc Nam, phát triển mạnh mẽ giao thông đô thị.
    So với mục tiêu, sau 3 năm thực hiện, GTVT đường bộ nước ta đã đạt được những mục tiêu cơ bản cả về vận tải lẫn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần quan trọng trong việc phát triển KT-XH, xoá đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh quốc phòng và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
     
    Thực hiện quy hoạch
    Vận tải
    Trong giai đoạn qua, công tác quản lý vận tải và dịch vụ vận tải được cơ quan quản lý đặc biệt chú trọng, giám sát việc thực hiện các văn bản, quy định điều kiện kinh doanh tại các doanh nghiệp, từng bước đưa hoạt động kinh doanh vận tải vào quy củ và phát huy hiệu quả phục vụ xã hội.
    Các doanh nghiệp vận tải tiếp tục đổi mới tổ chức, quản lý theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, áp dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động điều hành, giám sát hành trình; đổi mới từng bước cơ cấu đoàn xe; đa dạng hoá sản phẩm, phương thức vận tải; phát triển vận tải khách công cộng xe buýt tại các địa phương, kéo dài các tuyến xe buýt từ các đô thị lớn tới các đô thị liền kề.
    Vận tải hành khách và hàng hóa cơ bản đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng, hàng năm duy trì mức tăng trưởng cao.
    Khối lượng vận tải hàng hóa đường bộ năm 2006 chiếm khoảng 65,93% năm 2011 tăng lên 75,16% tổng khối lượng vận tải toàn ngành; khối lượng hàng hóa vận tải năm 2011 (sau hơn 3 năm thực hiện QH) đạt 693 tỷ tấn bằng 91,18% về tấn vận chuyển tương đương 36,3 tỷ TKm bằng 103% tấn luân chuyển so với mục tiêu quy hoạch đến năm 2020.
    Vận tải hành khách đường bộ năm 2006 chiếm khoảng 89,14%, năm 2011 tăng lên  92,08% tổng khối lượng vận tải khách toàn ngành. Khối lượng khách vận chuyển năm 2011 đạt 2,327 tỷ lượt hành khách bằng 42,31% về lượt khách vận chuyển tương đương 69,197 tỷ HKm bằng 42% về khách luân chuyên so với mục tiêu quy hoạch đến năm 2020. Có thể khẳng định, với đà tăng trưởng này, đến năm 2020 các mục tiêu vận tải đường bộ sẽ vượt mục tiêu đặt ra.
     
    Hình 2. Tỷ trọng vận chuyển của các ngành vận tải 2006 - 2007
     
      
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
    Nguồn: NGTK 2011
    Vận tải quốc tế được duy trì, mở rộng và phát triển với các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc, tạo thuận lợi cho hoạt động qua lại biên giới.
    Vận tải khách công cộng bằng xe buýt đô thị ở TP lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh đã phát triển; nhiều tỉnh, thành phố khác cũng có những tín hiệu tích cực, phát triển vận tải khách dưới hình thức xe buýt đáp ứng nhu cầu nội thị và kéo dài nối các đô thị kế cận. Vận chuyển khách bằng phương tiện công công (xe buýt, tắc xi) tại TP Hà Nội mới đáp ứng được 10%, TP Hồ Chí Minh gần 8% nhu cầu (khoảng 1 triệu lượt hành khách/ngày).
     
    Kết cấu hạ tầng
    + Đầu tư xây dựng: do chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và thực hiện chính sách thắt chặt tài chính, kiềm chế lạm phát của Chính phủ, công tác đầu tư xây dựng cơ bản ngành GTVT nói chung và GTVT đường bộ nói riêng gặp nhiều khó trong giai đoạn qua; nhất là năm 2011, nguồn vốn ODA giảm, hạn chế so với giai đoạn trước; kế hoạch đầu tư bị điều chỉnh, nhiều dự án  bị tạm dừng, giãn tiến độ, hiệu quả đầu tư thấp, giao thông đi lại khó khăn.
    Nguồn vốn đầu tư các dự án đường bộ trong giai đoạn qua chủ yếu từ ngân sách (bao gồm ODA, ngân sách trong nước), trái phiếu Chính phủ, ngoài ngân sách (BOT, BT, PPP…).
    Nguồn vốn ODA được tập trung đầu tư cho các công trình giao thông đường bộ quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến phát triển KT-XH đất nước và khu vực như: nâng cấp khôi phục, xây dựng mới các quốc lộ 1, quốc lộ 3, vành đai 3 Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,... các cầu hầm lớn như Bãi Cháy, Thanh Trì, Cần Thơ, Vĩnh Thịnh,…
    Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được tập trung đầu tư cho các công trình như: đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1,2, các tuyến vành đai 1, 2, các tuyến nan quạt khu vực phía Bắc: quốc lộ 4, 32, 37, 279, 2, 6, 31; các tuyến ngang miền Trung nối ven biển với khu vực phía Tây: quốc lộ 7, 12, 14C, 27,..., các tuyến khu vực đồng bằng sông Cửu Long: quốc lộ 30, 60, 63, 54, 91, N1, Nam Sông Hậu,....
    Nguồn vốn ngoài ngân sách (BOT, PPP…) chủ yếu các công trình có khả năng thu hồi vốn; nguồn đóng góp doanh nghiệp, cộng đồng xã hội chủ yếu phát triển giao thông nông thôn.
    Với nguồn vốn đầu tư tập trung các tuyến đường trọng điểm, phần nào đáp ứng được nhu cầu phát triển KT-XH. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường vẫn chưa thông, tình trạng kỹ thuật xấu.
    + Một số công trình quan trọng được hoàn thành và đưa vào sử dụng kịp thời phục vụ phát triển kinh tế và đời sống nhân dân:
    Năm 2009: hoàn thành nâng cấp cải tạo các quốc lộ 22, QL70, QL6, QL2, QL4A, QL4B, QL4C, cầu Rạch Miễu, cầu Đồng Nai,….; đã khởi công các dự án quan trọng: Cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, TP HCM - Long Thành – Dầu Giây, Trung Lương – Mỹ Thuận, cầu Nhật Tân, 9 dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2.
    Năm 2010: hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác cao tốc HCM – Trung Lương, đại lộ Thăng Long, cầu Cần Thơ, cầu Thanh Trì, cầu Pá Uôn, cầu Hàm Luông, cầu Phùng….; đã khởi công các dự án  quan trọng: Vành đai 3 Hà Nội giai đoạn 2, QL6 (Tuần Giáo – Mường Lay), QL24 (Quảng Ngãi – Kon Tum), QL30 (Cao Lãnh – Hồng Ngự), cầu Bến Thủy II.
    Năm 2011: hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác cao tốc Giẽ - Ninh Bình, đường Nam Sông Hậu, cầu Ngọc Tháp, hợp long cầu Đầm Cùng, thông xe các cầu trên QL1 đoạn Cần Thơ – Năm Căn. Các dự án chuẩn bị khởi công: cầu Cổ Chiên QL60, các gói thầu đường vành đai 3 TP Hà Nội, dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh, đường nối Nội Bài - Nhật Tân, nâng cấp mở rộng QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long (BOT), khôi phục, cải tạo QL20 từ Đồng Nai - Lâm Đồng (BT), cầu Vĩnh Thịnh, đang xây dựng đề án Phát hành công trái đầu tư xây dựng mở rộng QL1 quy mô 4 làn xe.
    + Đường cao tốc: mục tiêu quy hoạch xây dựng 24 tuyến, đoạn tuyến cao tốc; đến nay cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng 5 đoạn với chiều dài khoảng 167 km gồm: TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (40 km); Giẽ - Ninh Bình dài 50km (cao tốc đầu tiên ở khu vực phía Bắc, thông xe  ngày 30/6/2012, đạt chuẩn cao tốc loại A, quy mô 4 làn xe); Liên Khương - Đà Lạt (19km), vành đai 3 Hà Nội (cầu Phù Đổng – Mai Dịch) (28 km), Đại lộ Thăng Long (30 km); một số đoạn được coi như tiền cao tốc như Hà Nội – Bắc Ninh, Pháp Vân – Cầu Giẽ, Nội Bài – Bắc Ninh; các đoạn đã và đang chuẩn bị khởi công: Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
    + Cầu yếu: hiện vẫn còn 566 cầu yếu trên các quốc lộ; đã và đầu tư xây dựng thay thế 146 cầu, 111 cầu rất yếu cần đầu tư ngay, 45 cầu cần sửa chữa, nâng cấp cải tạo trong giai đoạn 2012 – 2015 và 262 cầu cần sửa chữa, nâng cấp cải tạo trong giai đoạn 2015 - 2020.
    + Giao thông nông thôn, mục tiêu 100% có đường ô tô đến tất cả các trung tâm xã chưa thực hiện được; vẫn còn 149 xã chưa có đường đến trung tâm. Những xã chưa có đường ô tô là các xã nghèo, thuộc vùng sâu, vùng xa, điều kiện địa hình, địa lý hiểm trở, phức tạp, dân cư thưa thớt; việc tiếp cận với hệ thống giao thông là hết sức khó khăn. Để xây dựng đường ô tô tới tất cả các xã còn lại nhu cầu kinh phí rất lớn, khoảng 8.035 tỷ đồng để xây dựng 1.524 km đường, 337 chiếc cầu/13.453 md.
    Tỷ lệ rải mặt nhựa, BTXM mới đạt 28,08% (tương đương 76.609km - chưa đạt mức 30% như mục tiêu đề ra), còn lại là mặt đường đá dăm, cấp phối, đất; đặc biệt đường đất còn chiếm tỷ lệ cao khoảng 42,98% (2010); mục tiêu bảo trì theo chiến lược chưa đạt được (60%-70% đường GTNT được bảo trì).
     
    Phát triển phương tiện vận tải
     Tuy chưa vượt chỉ tiêu nhưng có sự thay đổi lớn về cơ cấu: số lượng xe con có mức tăng cao 17%/năm. Phương tiện tăng nhanh không tương xứng với phát triển KCHTGT, mật độ phương tiện cao gây ùn tắc giao thông, tại nạn giao thông, thiếu bến bãi đỗ đậu xe nhất là trong các đô thị. Phương tiện có trọng tải lớn phát triển nhanh cũng là nguyên nhân phá hủy đường; chất lượng phương tiện đã được cải thiện, phương tiện cũ nát giảm, nhiều phương tiện mới, hiện đại được thay thế. Số lượng xe máy năm 2011 khoảng 34 triệu chiếc, gần vượt mục tiêu đề ra năm 2020 có khoảng 34-36 triệu chiếc.
     
    Vốn đầu tư phát triển giao thông đường bộ
     Mặc dù trong giai đoạn qua vốn đầu tư phát triển đường bộ không ngừng tăng, năm sau cao hơn năm trước, chiếm khoảng 90% (163.413/181.324) tổng vốn đầu tư cho ngành GTVT, tuy nhiên nguồn vốn này so với mục tiêu quy hoạch còn thấp, mới đáp ứng được khoảng 61% nhu cầu; tổng vốn đầu tư xây dựng đường bộ 2009-2011 đạt 163.413 tỷ đồng, bình quân 54.471 tỷ đồng/năm, trong khi theo quy hoạch nhu cầu vốn đầu tư đường bộ là 89.500 tỷ đồng/năm.
    + Vốn đầu tư cho công tác bảo trì quốc lộ bình quân /năm giai đoạn 2008-2011 đạt khoảng 2.465 tỷ đồng/năm (năm cao nhất 2010 được 2.541,17 tỷ đồng), trong đó vốn cho sữa chữa thường xuyên chiếm khoảng 25%, còn lại 75% là sửa chữa định kỳ; tuy nhiên theo đánh giá của TCĐBVN mới đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu; do nguồn vốn hạn hẹp, nên ưu tiên công tác SCTX, xử lý các điểm đen, các điểm có nguy cơ mất ATGT, các cầu yếu, hệ thống ATGT và sửa chữa mặt đường hư hỏng nặng. Đối với hệ thống đường bộ do địa phương quản lý, vốn đầu tư cho công tác bảo trì được cấp lại càng thấp hơn, nhất là cho hệ thống giao thông nông thôn.
    Vốn đầu tư cho đường bộ Trung ương quản lý chủ yếu đầu tư cho nâng cấp xây dựng mới, chiếm khoảng 90 - 94%; vốn đầu tư cho công tác bảo trì thấp, chỉ chiếm khoảng 5,5 – 9,5%.
    Vốn bảo trì hệ thống đường giao thông địa phương tùy thuộc vào khả năng, nguồn vốn của địa phương; tuy nhiên thấp hơn nhiều so với quốc lộ; đặc biệt vốn bảo trì giao thông nông thôn hầu như không có.
    Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 18/2012/NĐ-CP quy định về việc lập, quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ; với việc thực hiện quy định này, có mức thu hợp lý đối với các phương tiện cơ giới đường bộ, vốn cho công tác bảo trì đường bộ sẽ được đảm bảo.
    + Cơ chế chính sách, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt và đã có các giải pháp quan trọng tạo điều kiện phát triển GTVT đường bộ (ưu tiên sử dụng vốn ODA, Trái phiếu Chính phủ, tín dụng ưu đãi, mở rộng kênh huy động vốn ngoài ngân sách như BOT, BT, PPP và cơ chế hỗ trợ của TW, địa phương phát triển KCHT giao thông đường bộ nhất là phát triển giao thông nông thôn.
    + Đảm bảo an toàn giao thông luôn được xác định là nhiệm vụ cấp bách, toàn ngành quyết liệt thực hiện để đẩy lùi tai nạn giao thông; các nhiệm vụ thường xuyên được thực hiện như tiếp tục xây dựng, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TT, ATGT; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường kiểm tra, theo dõi công tác đăng kiểm phương tiện; đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe và các điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải; nhờ vậy, TNGT qua các năm có nhiều tiến triển tích cực. Số vụ TNGT, số người chết và bị thương từ năm 2008 đến nay có giảm nhưng chưa ổn định và bền vững; so với năm 2010, năm 2011 số vụ tai nạn, số người chết giảm, nhưng số người bị thương vẫn tăng; các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra nhiều hơn; TNGT trên hệ thống quốc lộ chiếm khoảng 57% số vụ, 44% số người chết và 68% số người bị thương. Tại các khu vực đô thị lớn bước đầu được kiềm chế; tình trạng ùn tắc giao thông đô thị vẫn thường xuyên xảy ra.
    Biểu 2. Tình hình tai nạn giao thông đường bộ 2007 - 2011
     
     
    Số vụ Tăng so với
    năm trước
    Số người chết Tăng so với
    năm trước
    Số người bị thương Tăng so với
    năm trước
    2007 14.624 -0,70% 13.150 3,08% 10.546 -6,57%
    2008 12.816 -12,36% 11.594 -11,83% 8.064 -23,53%
    2009 12.492 -2,53% 11.516 -0,67% 7.914 -1,86%
    2010 14.422 15,45% 11.449 -0,58% 10.633 34,36%
    2011 12.727 -11,75% 9218 -19,49% 11.257 5.87%
    Nguồn: Ủy ban ATGT quốc gia
     
    2.2. Hiện trạng giao thông vận tải đường bộ
    2.2.1. Hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ
    Tổng chiều dài đường bộ nước ta  hiện có trên 258.200 km, trong đó:
    Quốc lộ, cao tốc, CT229 18.744 km chiếm 7,26%
    Đường tỉnh 23.520 km chiếm 9,11%
    Đường huyện 49.823 km chiếm 19,30%
    Đường xã 151.187 km chiếm 58,55%
    Đường đô thị 8.492 km chiếm 3,29%
    Đường chuyên dùng 6.434 km chiếm 2,49%
     
    Về hệ thống quốc lộ, cao tốc:
    Hiện có 104 tuyến quốc lộ, 5 đoạn tuyến cao tốc, hầm Hải Vân và các tuyến đường khác (đường CT229) với tổng chiều dài 18.744 km; so với kỳ lập quy hoạch năm 2008 tăng 1.766 km.
    Tiêu chuẩn kỹ thuật: so với kỳ lập quy hoạch, đường có tiêu chuẩn kỹ thuật cấp cao (cao tốc, cấp I, II) đã được cải thiện, chiếm 7,51% (năm 2008 mới có 5,1%); đặc biệt, trong giai đoạn qua đã hoàn thành và đưa vào khai thác 5 đoạn cao tốc với chiều dài khoảng 167 km: Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50 km, thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương dài 40 km, Liên Khương - Đà Lạt dài 19 km, vành đai 3 – Hà Nội (đoạn cầu Phù Đổng – Mai Dịch) dài 28 km, Đại lộ Thăng Long dài 30 km; tỷ lệ đường đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cấp III, cấp IV cao, chiếm 77,73% (năm 2008 là 74,52%); đường có tiêu chuẩn kỹ thuật cấp V, VI chiếm tỷ lệ là 14,77% (năm 2008 là 20,38%).
     
    Biểu 3. Cấp kỹ thuật quốc lộ phân theo địa hình
    Đơn vị: km
      Cao tốc I II III IV V VI
    Cấp KTĐB 167 255 983 7.125 7.445 2.052 715
    % 0,89 1,36 5,26 38,01 39,72 10,95 3,82
    Nguồn: TCĐBVN, các Khu QLĐB
    Hiện trạng kết cấu mặt đường: BTN 62,97%, BTXM 2,67%; nhựa 31,7%, cấp phối và đá dăm, cấp phối 2,66% (năm 2008: BTN 54,79%; BTXM 3,62; nhựa 35,51%, cấp phối: 6,08%).
    Hiện vận còn khoảng hơn 550 cầu yếu trên hệ thống quốc lộ; gần 150 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm.
     
    Hệ thống đường bộ đối ngoại: có 3 loại đường bộ đối ngoại, gồm:
    a) Hệ thống đường ASEAN: 8 tuyến, dài 4223 km
    1. AH1: Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh, gồm QL1, QL22 (1803 km)
    2. AH13: Hà Nội – Điện Biên, gồm QL6, QL279 (500 km)
    3. AH14: Lào Cai – Hải Phòng, gồm QL70, QL2, QL3, QL1, QL5 (428 km)
    4. AH15: Vinh – Cửa Lò, gồm QL8, 1, 46 (99 km)
    5. AH16: Đông Hà – Lao Bảo, gồm QL9 (dài 95 km)
    6. AH17: Đà Nẵng – Vũng Tàu, gồm QL14B, HCM, 13, 1, 51 (dài 958 km)
    7. AH131: Vũng Áng – Cha Lo, gồm 12A, HCM, 1 (dài 137 km)
    8. AH132: Quảng Ngãi – Kon Tum, gồm QL40, HCM, 24 (dài 198&
    Bài viết cùng chuyên mục